Tác động Thủ tục làm người còn sống

Tuần báo Văn Nghệ

Biên tập viên tại Tuần báo Văn Nghệ gửi thư động viên "nếu có mệnh hệ gì cũng không ân hận vì chúng ta đã đứng ra bảo vệ danh dự cho một con người, nhất là khi đó lại là một người lính" đến nhà văn Minh Chuyên. Tổng biên tập Tuần báo Văn Nghệ đứng ra nhận hoàn toàn trách nhiệm nếu có hậu quả xảy ra.[1] Mỗi tuần có hàng trăm cuộc điện thoại, thư của độc giả gửi chung cho toà soạn và gửi riêng cho tác giả. Nhà thơ Bế Kiến Quốc—công tác tại Tuần báo Văn Nghệ—gửi thư thông báo tới Minh Chuyên về dư luận tốt của bài bút ký.[5]

Gia đình nhà văn

"Mình bị áp lực tinh thần dữ dội. Người ta nói mình bịa chuyện, người ta nói mình đưa chi tiết không thật".

Nhà văn Minh Chuyên bộc bạch về bút ký "Thủ tục làm người còn sống" trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 19 tháng 7 năm 2008.[20]

Nhà văn Minh Chuyên khi đó liên tục bị điều tra–truy vấn vì bị nghi ngờ "bịa ra câu chuyện để bôi xấu chính sách địa phương",[29] tác giả từng có ý định rạch bụng để chứng minh sự thật,[1][17][28] tưởng chừng sẽ bị kết thúc nghiệp cầm bút.[11] Minh Chuyên bị cáo buộc "bôi nhọ hậu phương Thái Bình, gây ảnh hưởng xấu cho lực lượng quân đội",[7] 600 thư cảm nhận bút ký "Thủ tục làm người còn sống" từ độc giả gửi đến nhà văn.[4] Minh Chuyên tiết lộ "gặp sóng gió vô cùng lớn" đối với người cầm bút và các nhân vật trong bút ký, phải trốn trước áp lực đòi xử lý bằng pháp luật của các cơ quan chính sách.[3] Nhiều tin đồn Minh Chuyên bị bắt khiến gia đình nhà văn luôn phấp phỏng không yên, người bố già có đêm đi bộ hơn 10 km đến nhà riêng hỏi thăm mỗi khi có tin đồn, căn nhà Minh Chuyên đêm nào cũng nườm nượp người đến hỏi thăm, một số thương binh làng thay nhau túc trực "giải cứu con tin". Đầu tháng 10 năm 1988, gia đình nhà văn định mua xe đạp cho con sau khi bán lợn được 100 nghìn đồng, sau quyết định in sao hồ sơ của Định thành 10 bản.[27]

Ba mươi năm sau, nhà văn vẫn tiếp tục viết 75 tác phẩm về chủ đề hậu chiến, 250 tập phim tài liệu với ba phim dự các liên hoan phim quốc tế: "Cha con người lính", "Linh hồn Việt Cộng", "Chuyện ông và cháu."[9][29] Minh Chuyên bộc bạch "xét về giá trị văn chương, tôi chọn "Vào chùa gặp lại". Xét về giá trị xã hội, tôi chọn "Người không cô đơn". Xét về tinh thần trách nhiệm một người cầm bút, tôi chọn "Thủ tục làm người còn sống."[17][20] Sau này, Minh Chuyên thường được gọi là "người trả lại tên cho những đồng đội" hay "người chữa lành những vết thương thời  hậu chiến".[2] Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình Phạm Văn Bài sau này nhận xét "để viết được thành công bút ký "Thủ tục để làm người còn sống", Minh Chuyên đã trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng chừng bi quan đến tuyệt vọng. Minh Chuyên là người có năng lực, sở trường viết về hậu chiến và cái quan trọng là Minh Chuyên có cái tâm của người lính cầm bút, nặng lòng với số phận người lính hậu chiến."[26]

Gia đình quân nhân

Vì bị không ít người nghi ngờ đào ngũ,[13] Trần Quyết Định có ý định tự sát bằng thuốc trừ sâu, nhà văn đã đến nhà lúc 12 giờ đêm khuyên can thời điểm đó.[28][29] Trần Quyết Định phải viết chục bản tự thuật, gia đình–họ hàng Định bị mời huyện Vũ Thư khai báo.[7] Bố Định nhờ Trần Đình Ngoạn—cậu ruột Trần Quyết Định—vào thành phố Hồ Chí Minh xin sao lưu lại hồ sơ bệnh án tại bệnh viện cứu chữa Định 10 năm trước.[27] Trần Đình Ngoạn nhớ lại "cái lúc bấy giờ thì Đài mới phát, rồi Báo Văn nghệ ở Hà Nội mới đăng. Thế rồi mới choang ra đấy. Tôi hãi lắm. Khổ… Giờ nghĩ lại giai đoạn ấy thì cực lắm chứ không phải cực vừa". Trần Thị Tẹo—mẹ Trần Quyết Định—hồi tưởng "chú thì chú ấy bị thương… Khốn khổ. Đi vào Đắc Lắk, rồi đi Kon Tum lại trở về lấy vợ."[3] Tính đến năm 2007, thủ tục giấy tờ chuyển đổi từ liệt sĩ sang xác nhận thương binh hạng 2/4 của Trần Quyết Định được hoàn tất.[9][17][26] Nhà văn Minh Chuyên cho biết Trần Quyết Định được chứng nhận là thương binh sau 19 năm kể từ khi đăng bút ký trên Tuần báo Văn Nghệ,[3][30] tổng cộng 29 năm kể từ khi xin xác nhận giấy phục viên–xuất ngũ.[30]

Văn học Việt Nam

Đỗ Thị Bích Thủy tại Trường Đại học Hoa Lư cho rằng bút ký giúp độc giả "biết đến những vấn đề của đời sống hiện thực đang hiện hữu, số phận con người trước những biến động của đời sống xã hội."[31] Tiến sĩ Trần Việt Hà tại Học viện Khoa học Xã hội gợi nhắc các bút ký của Minh Chuyên cùng với "Thủ tục làm người còn sống", đúc kết "những chấn thương khó lành, dễ tái phát ấy để lại mảng sẹo lòng nhạy cảm khiến cho rất nhiều người lính trở về có cảm giác rằng không phải mình đang sống mà là đang bị mắc kẹt lại trên cõi đời này".[32] Cao Thị Xuân Phượng tại Học viện Khoa học Xã hội liệt kê các bút ký "Vào chùa gặp lại" và "Người lang thang không cô đơn" cùng với "Thủ tục làm người còn sống", đồng thời khen ngợi "đề tài chiến tranh đã tạo nên một hiện tượng Minh Chuyên".[33] Bút ký "Thủ tục làm người còn sống" được đưa vào trong chương trình giáo dục trung học phổ thông Việt Nam theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào ngày 26 tháng 12 năm 2018.[34]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thủ tục làm người còn sống //www.worldcat.org/issn/2354-1512 http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Nha-van-Mi... http://dantri.com.vn/phong-suky-su/ky-iii-con-dia-... http://tamlongvang.laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tu... http://hnmu.edu.vn/upload/user/tin-bai/tap-chi/tck... http://rgep.moet.gov.vn/content/tintuc/Lists/news/... http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTcFfqyxEHFK... http://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-st... http://www.quankhu3.vn/index.php/Van-hoa-Van-nghe/... http://toquoc.vn/minh-chuyen-nha-van-noi-tieng-vie...